Gọi điện
Nhắn tin Zalo
Facebook

BỆNH PARVO TRÊN CHÓ

BỆNH DO PARVOVIRUS TRÊN CHÓ

Parvo là bệnh dễ lây lan ở chó, nhưng chó chưa chủng ngừa và chó con nhỏ hơn 4 tháng dễ mắc bệnh hơn. Vi-rut tác động lên đường tiêu hóa ở chó và lây truyền khi chó bệnh tiếp xúc trực tiếp với chó khỏe hoặc mầm bệnh có trong phân, môi trường, hoặc con người. Vi-rut có thể nhiễm lên chuồng trại, thức ăn và nước uống, vòng cổ, dây dắt, hay tay và quần áo của người tiếp xúc với chó bệnh. Trong điều kiện bình thường, vi-rut bền vững với nhiệt độ nóng và lạnh, độ ẩm cao hoặc khô, và có khả năng tồn tại trong môi trường trong thời gian dài. Vi-rut vẫn có thể truyền lây từ nơi này đến nơi khác qua lông hoặc chân chó khi chúng tiếp xúc với chuồng, giày dép hay các vật dụng khác có chứa vi-rut.

Cơ chế sinh bệnh:

Khi xâm nhập qua đường tiêu hóa, khoảng 2 – 4 ngày virus sẽ nhân lên trong những tế bào lympho vùng hầu họng và vào máu gây nhiễm trùng máu. Theo tuần hoàn, virus đến nhiều mô và cơ quan. Không phải tất cả tế bào đều cho phép virus sao chép, một trong những yếu tố chủ yếu xác định sự nhiễm virus thành công là tốc độ phân chia của tế bào vật chủ. Tế bào phân chia nhanh ở chó là các tế bào ở ruột, tủy xương và hệ thống miễn dịch, có bộ máy sao chép DNA điều hòa là vật chủ lý tưởng cho sự sao chép của virus. Điều đặc biệt nữa là tế bào phân chia nhanh có lượng lớn TfRs (transferrin receptors) trên bề mặt tế bào giúp liên kết với virus. Virus đi ra ngoài theo phân và có thể phát hiện trong phân trên 2 tuần sau khi nhiễm, mặc dù virus thải ra ngoài hiếm khi dừng ở ngày thứ 10.

Chó bệnh Parvo tiêu chảy máu

Virus nhân lên trong hạch bạch huyết, lách và tế bào tủy xương gây hoại tử tế bào sinh lympho làm giảm thiểu số lượng bạch cầu gây suy giảm miễn dịch.

Virus sao chép trong bào khe tuyến của ruột non, trước hết là ngoại biên của tá tràng và không tràng làm hoại tử và ngăn cản sự phục hồi của biểu mô ruột. Ruột non bị giãn ra và mềm đi hết sức với những đoạn xuất huyết và thanh dịch. Mô học cho thấy, lông nhung bị ngắn đi và tế bào khe tuyến bị giãn. Sự thay đổi này làm tổn hại sự toàn vẹn của niêm mạc dạ dày ruột. Kết quả làm mất đi tính điều hòa thấm lọc dẫn đến tiêu chảy (có thể mất máu) và theo sau là sự mất nước và mất chất điện giải khác thường. Nếu có mất máu qua sự hư hại của niêm mạc dẫn đến thiếu máu.

Nguyên nhân chính gây chết trên chó là do nhiễm trùng máu. Độc tố từ vi khuẩn vào ruột đi vào trong máu. Sự xuất hiện của các độc tố này gây biến chứng trên chó con như sự mất nước do ói mửa, tiêu chảy, không ăn, và làm chó giảm glucose trong máu do không ăn, và làm mất chất điện giải do ói mửa, không ăn. Hệ thống miễn dịch cơ thể bị áp đảo và sau đó chết nếu không xử lý kịp thời. Thậm chí, nếu không có độc tố từ vi khuẩn, thì sự mất nước và mất chất điện giải có thể làm cho chó bị shock và thậm chí chết.

Sự hiện diện của ký sinh trùng ở vùng dạ dày ruột hoặc tác nhân gây bệnh làm khác sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Sự xuất hiện của các tác nhân trên làm cho tốc độ thay thế của tế bào biểu mô ruột nhanh hơn và với tỉ lệ tế bào phân chia cao hơn, tế bào khe tuyến sẽ là tế bào tốt nhất cho sự sao chép của virus. Trong sự quay vòng này làm mất tính toàn vẹn của niêm mạc và tăng cơ hội cho nhiễm khuẩn kế phát và nhiễm trùng.

Nếu chó khỏi bệnh, chó sẽ có miễn dịch có thể kéo dài đến 2 năm. Trong khoảng thời gian này, lứa chó con của nó sẽ được bảo hộ 9 – 12 tuần sau khi sinh.

Kháng thể IgA xuất hiện trong ruột và phân 4 ngày sau khi nhiễm. Một số chó xuất hiện kháng thể dịch thể cao, IgA trong lòng ruột ít, những chó này bệnh rất nặng.

Triệu chứng:

  1. Thể đường ruột:

– Thời gian nung bệnh 3 – 5 ngày, tập trung trên chó 2 – 4 tháng tuổi.

– Ủ rũ, bỏ ăn.

– Ói mửa: nôn khan liên tục ra dịch mật, dịch dạ dày màu vàng nhớt, tanh hôi, khoảng 12 – 42 giờ sau thì tiêu chảy.

– Tiêu chảy: phân lúc đầu xám hay vàng, thối, sau đó có màu hồng hay đỏ tươi tùy vị trí virus tấn công vào ruột. Phân có lẫn niêm mạc ruột, keo nhầy và có mùi đặc trưng.

– Sốt kéo dài khi triệu chứng tiêu chảy nặng xuất hiện.

– Suy nhược nhanh và mất nước dữ dội (nặng trên chó non còn bú), chó có thể chết nếu không chữa trị kịp thời.

2.Thể viêm cơ tim:

– Thường gặp trên chó 1 – 2 tháng tuổi.

– Chó suy tim, niêm mạc nhợt nhạt hoặc thâm tím.

– Khó thở, rên rĩ, suy kiệt, chết sau vài giờ hay vài phút hay chết đột ngột do bị suy tim.

– Trong thể này, các biểu hiện đường ruột không rõ ràng.

3.Thể kết hợp:

Làm chó chết nhanh do thoái hóa cơ tim, tim suy nhược, tiêu chảy và ói mữa nặng, mất nước rất nhanh.

Chẩn đoán và điều trị

Bệnh Parvo thường được chẩn đoán và điều trị dựa trên tiền sử của vật nuôi, chẩn đoán và làm xét nghiệm.

Chưa có thuốc đặc hiệu để tiêu diệt virus trên chó bị nhiễm, việc điều trị chỉ giúp hỗ trợ cho đến khi hệ miễn dịch của chó đủ khả năng chống lại bệnh.

Chó cần được giữ ấm, điều trị và chăm sóc ngay lập tức để chống mất nước bằng phương pháp truyền dịch, kiểm soát tình trạng ói và tiêu chảy, và ngăn ngừa nhiễm khuẩn kế phát. Việc điều trị bệnh parvo có thể tốn kém, và chó vẫn có thể chết dù được diều trị tích cực.

Việc phát hiện bệnh sớm và tích cực điều trị bằng phương pháp đúng có thể đem lại tỉ lệ sống đến 90%.
Chó bệnh cần được cách li để giảm thiểu nguy cơ lây lan virus cho chó khỏe. Cần làm vệ sinh và sát trùng chuồng nuôi hoặc các khu vực sinh hoạt của chó để hạn chế lây lan virus.

Phòng ngừa bệnh parvo

Để phòng ngừa bệnh parvo ở chó, cần tuân thủ đúng lịch chủng ngừa và làm vệ sinh sạch sẽ nơi ở chủa chó. Chó con dễ bị mắc bệnh vì kháng thể tự nhiên trong sữa chó mẹ có thể không đủ để bảo vệ cho đến lúc hệ miễn dịch của chó con đủ mạnh để tự chống lại bệnh hoặc vắc xin chích vào đã bị trung hòa bởi kháng thể chó mẹ. Vì vậy chủ nuôi cần tuân theo lịch chủng ngừa của bác sĩ thú y để phòng bệnh cho vật nuôi một cách tốt nhất.